CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE  PHÒNG QUẢN LÝ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM - 94 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐẤT NƯỚC

Đăng lúc: 27/07/2023 (GMT+7)
100%

 Công đoàn Việt Nam - 94 năm đồng hành cùng đất nước

Trải qua 94 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn giữ vững vai trò trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam, luôn sát cánh, đồng hành, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Từ Công hội Đỏ Bắc Kỳ đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ được coi là mốc son chói lọi. Ngày 28/7/1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra báo "Lao động" và tạp chí "Công hội Đỏ", bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng.

http://www.vinhuni.edu.vn/upload/images/cong%20doan/2023-07/congdoan(1).jpg

Số nhà 15 Hàng Nón, nơi diễn ra Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, 28/7/1929

Để phù hợp với tình hình, từ năm 1936 - 1939, tổ chức Công hội Đỏ đổi tên thành Nghiệp đoàn, Hội Ái hữu, chuyển sang thời kỳ hoạt động bán công khai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoànViệt Nam thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam. Với trên 20 vạn người trong năm 1945, đoàn viên công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 3/1946, Hội nghị đại biểu Công nhân cứu quốc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tổng Công đoàn Nam Bộ đã quyết định thống nhất về mặt tổ chức trên phạm vi cả nước thành "Hội Công nhân cứu quốc".

Tháng 6/1946, tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cứu quốc, đã đổi tên "Hội Công nhân cứu quốc" thành "Công đoàn". Ngày 20/7/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" đã chính thức được thành lập và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào năm 1949.

http://www.vinhuni.edu.vn/upload/images/cong%20doan/2023-07/congdoan(1).png

Biểu trưng của Công đoàn Việt Nam hiện nay

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động

Trong những năm đầu đất nước giành độc lập, thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức vận động công nhân, viên chức, lao động tập trung xây dựng nhà máy, công xưởng, sản xuất vũ khí, khí tài quân sự; khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động phục vụ kháng chiến.

Tại chiến khu Việt Bắc, từ ngày 01 - 15/01/1950, Đại hội lần I Công đoàn Việt Nam đã khẳng định mục tiêu: "Động viên công nhân, viên chức, lao động cả nước, nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi".

Tháng 2/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế phục vụ tổng phản công, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, Công đoàn vận động công nhân hăng hái sản xuất và tham gia quản lý, xây dựng xí nghiệp. Ở vùng tự do, Công đoàn phát động công nhân "Thi đua sản xuất, thi đua xây dựng", "Cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, trau dồi nghề nghiệp".

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai miền, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ. Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa I họp vào tháng 8/1954 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là "Cần phải động viên, tổ chức đông đảo quần chúng lao động trong các đô thị thành một lực lượng mạnh mẽ làm chỗ dựa tốt nhất, chắc chắn nhất cho chính quyền tiến hành công tác tiếp thu, phục hồi sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự thành phố".

Ở miền Bắc, qua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của giai cấp công nhân được lan tỏa, như "Sóng Duyên Hải", "Hợp tác xã Thành Công", "Ba quyết tâm"... đã xuất hiện, nhiều công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, là những tấm gương sáng trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu.

Những năm 1960, trước những yêu cầu mới, Đại hội lần thứ II Công đoàn Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 - 27/02/1961 đã đổi tên "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" thành "Tổng Công đoàn Việt Nam". Đại hội đã đề ra mục tiêu: "Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà".

Mục tiêu này tiếp tục được nhấn mạnh tại Đại hội lần thứ III Công đoànViệt Nam, diễn ra từ 11 - 14/02/1974: "Các cấp công đoàn phải phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng Chủ nghĩa xã hội với năng suất lao động, hiệu quả công tác, phục vụ và tham gia chiến đấu, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Bước sang những năm 1980, tại Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam diễn ra từ 16 - 18/11/1983, đã khẳng định mục tiêu: "Động viên công nhân, lao động thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng, là phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu", Đại hội đã Quyết định lấy ngày 28/7/1929 là Ngày thành lập Công đoànViệt Nam.

Thời gian này, các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công nhân, viên chức, lao động đã tạo được bước chuyển biến tích cực, nhiều điển hình tiên tiến và nhân tố mới đã hình thành, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

http://www.vinhuni.edu.vn/upload/images/cong%20doan/2023-07/congdoan(2).jpg

Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam

Không ngừng đổi mới tổ chức, hoạt động Công đoàn

Trong tình hình đất nước tiến hành đối mới, từng bước hội nhập, Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 17 - 20/10/1988 tại Hà Nội đã xác định mục tiêu: "Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội". Đại hội Quyết định đổi lại tên "Tổng Công đoàn Việt Nam" thành "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam".

Trước yêu cầu của giai đoạn mới, tại Đại hội lần thứ VII (diễn ra từ 9 - 12/11/1993 tại Hà Nội), Công đoàn Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu "Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chăm lo bảo vệ lợi ích công nhân lao động".

Đến nhiệm kỳ lần thứ X của Công đoàn Việt Nam, hoạt động trong bối cảnh giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi đó, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu công nhân, viên chức, lao động trong cả nước. Những hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và Công đoàn đã tạo được chuyển biến trong cả nhiệm kỳ hoạt động, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động.

Mục tiêu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn được nhấn mạnh thêm tại Đại hội lần thứ XI Công đoàn Việt Nam với phương châm hành động "Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn".

Đặc biệt, đáp ứng yêu cầu, thách thức của thời kỳ hội nhập quốc tế, tại Đại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam (diễn ra từ 24 - 26/9/2018 tại Hà Nội), đã xác định "Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

http://www.vinhuni.edu.vn/upload/images/cong%20doan/2023-07/congdoan(3).jpg

Đại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, hướng tới Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam, xin kính chúc các đồng chí cán bộ, nguyên cán bộ Công đoàn và đoàn viên, viên chức, người lao động mạnh khỏe, hăng hái thi đua, đoàn kết sáng tạo, góp phần xây dựng và phát triển đất nước!